HOME Back

Use the

Planning a Trip to Japan?

Share your travel photos with us by hashtagging your images with #visitjapanjp

sg089 sg089

HƯỚNG DẪN Giới thiệu về mì Ramen ở Nhật Bản Mì Ramen là món ăn tiện lợi tối ưu của Nhật Bản

Mì ramen là món quốc hồn quốc túy của Nhật Bản.

Bạn có thể tìm thấy những món mì ăn cùng nước dùng ở mọi ngõ ngách của Nhật Bản với vô vàn các biến thể khác nhau theo vùng miền. Bạn hãy đi lên hướng bắc đến Sapporo để dùng thử mì miso ramen dùng kèm với một lát bơ, hoặc đi về hướng nam đến Kagoshima để thưởng thức nước dùng tonkotsu béo ngọt vị thịt heo với gợi ý dùng kèm thịt gà và cá mòi. Mì ramen đã chuyển mình từ một món ăn bình dân của người nhập cư Trung Quốc thành hiện tượng toàn cầu, các đầu bếp hiện nay ngày càng tạo ra những bát mì nghệ thuật sử dụng các nguyên liệu chất lượng nhất. Mì ramen là một trong những món ăn tiện lợi quan trọng nhất ở Nhật Bản và nằm trong mọi danh sách các món ăn nhất định phải thử của Nhật Bản.

 

Mì ramen bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng đã trở thành một trong những món ăn được yêu thích nhất ở Nhật Bản

 

Mì ramen là gì?

Món mì nước đơn giản này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Câu hỏi món ăn này được truyền từ Trung Quốc sang Nhật Bản như thế nào đến nay vẫn còn gây tranh cãi, nhưng có một giả thiết được đa số mọi người chấp nhận rằng vào năm 1910, một nhà hàng Trung Quốc tại Asakusa, Nhật Bản đã bắt đầu phục vụ món ăn gọi là ramen. Sợi mì làm từ bột mì kiểu Trung Quốc được phục vụ cùng nước dùng từ thịt hoặc cá nhanh chóng trở nên phổ biến. Mì soba và mì udon cũng đã có chỗ đứng nhất định trong nền ẩm thực Nhật Bản, vì vậy trong khi húp xì xụp một tô nước dùng mì lớn không có gì mới lạ, thì việc thêm kansui, một thành phần thiết yếu trong ramen vào, trở thành một sự đổi mới. Kansui, một loại dung dịch kiềm, có khả năng tạo ra kết cấu dai đặc trưng cho sợi mì ramen. Chẳng mấy chốc, các con đường của Khu phố Tàu ở Yokohama nhanh chóng được lấp đầy bởi các quầy hàng thực phẩm bán mì ramen và bánh xếp gyoza mang đi.

Mì Ramen tiếp tục trở nên phổ biến trong suốt Chiến tranh thế giới II. Năm 1945, trong thời gian bị Mỹ chiếm đóng, Nhật Bản đã ghi nhận số liệu thu hoạch lúa thấp nhất. Trước tình hình này, Mỹ đã cung cấp bột mỳ như một viện trợ khẩn cấp và những bữa ăn trưa học đường bắt đầu xuất hiện ở các trường tiểu học. Mặc dù các quầy hàng thức ăn đường phố tạm thời bị cấm, nhưng một số bột mì vẫn được bí mật vận chuyển từ các nhà máy thương mại vào thị trường chợ đen và sử dụng để làm mì ramen. Đến năm 1950, các luật về trao đổi bột mì này được bãi bỏ, cùng thời điểm đó, nhiều người Nhật trở về từ nơi họ đóng quân ở Trung Quốc, mang theo khẩu vị đã quen thuộc với món mì ramen. Những sự kiện xảy ra cùng lúc này đã tạo ra sự bùng nổ các quán mì ramen trên khắp Nhật Bản và cho ra đời vô số biến thể mới.

 

Mỗi khu vực đều có riêng một biến thể của món ăn tiện lợi này

 

Tôi nên thử loại mì ramen nào?

Mì ramen đại khái được phân thành bốn hương vị chính. Ba trong số các hương vị này đến từ gia vị – súp miso, muối và nước tương – trong khi hương vị thứ tư là tonkotsu, hay còn gọi là nước hầm xương heo. Các gia vị và nguyên liệu nước dùng, như thịt gà, cá và hải sản được phối trộn khác nhau tùy theo từng vùng, từng quán ăn. Trong bốn hương vị chính này, có vô vàn biến thể theo vùng miền. Mì ramen Sapporo nổi tiếng với sự kết hợp giữa nước dùng tonkotsu với súp miso. Các món ăn kèm gồm những món được yêu thích ở địa phương, bắp và hải sản. Tại Fukuoka , mì ramen kiểu Hakata rất được ưa chuộng, có thể nhận biết bởi nước dùng làm từ xương heo có màu đục, món ăn kèm giản đơn và dịch vụ kaedama – hành động gọi thêm mì khi nước dùng vẫn còn nóng.

Nhiều vùng miền nhỏ hơn và các khu vực trên khắp Nhật Bản cũng có món mì ramen của riêng nơi đó. Tottori nổi tiếng với nước dùng hầm từ xương bò, trong khi mì ramen Kasaoka sử dụng nước tương với nước hầm gà ăn kèm gà nướng và măng. Niềm vui khi thưởng thức mì ramen là đánh giá những chi tiết tinh tế bên trong bát mì, từ độ cứng của mì đến góc độ thái lát hành. Các món ăn có liên quan mật thiết sử dụng mì ramen gồm tsukemen, với một bát nước dùng cô đặc hơn được dọn riêng để nhúng mì, và mazesoba, một phiên bản mì không nước dùng với gia vị mạnh và giống nước chấm. Bạn có vô số lựa chọn và tất cả đều rất ngon.

 

Mì ramen là một món ăn bình dân, phục vụ và dùng nhanh chóng

 

Làm thế nào để ăn mì ramen ở Nhật Bản?

Bạn có thể tìm thấy các quán mì ramen ở mọi khu phố tại Nhật Bản. Đây là món ăn bình dân, phục vụ nhanh, nhưng một số quán nổi tiếng nhất có thể có hàng dài thực khách chờ bên ngoài. Vì hầu hết các quán đều nhỏ, nên sẽ không lịch sự cho lắm nếu bạn nán lại sau khi dùng xong. Tốt nhất là nên rời đi ngay sau khi dùng xong món ăn của bạn để người tiếp theo đang xếp hàng chờ có thể vào ngồi.

Hầu hết các quán mì ramen sẽ có các thực đơn ngắn đặc trưng với chỉ một vài biến thể mì được trình bày trong những chiếc bát đặc biệt của họ và một số món ăn kèm được tính giá riêng. Các món ăn phụ thường gồm bánh xếp gyoza hoặc cơm chiên, nhưng trong một số trường hợp, các món phụ sẽ không có sẵn toàn bộ. Để đơn giản hóa quy trình gọi món, nhiều quán mì ramen sẽ không có người phục vụ. Ở những nơi đó sẽ đặt máy bán hàng tự động có các nút tương ứng với các món khác nhau trong thực đơn. Chỉ cần thực hiện các thao tác đơn giản là cho tiền vào máy, chọn món mì ramen của bạn, món ăn kèm, món phụ và đồ uống để lấy vé. Đưa vé cho đầu bếp và chờ vài phút để quán chuẩn bị món ăn của bạn.

Bạn có thể nhận thấy những thực khách xung quanh mình lớn tiếng húp xì xụp bát mì của họ. Húp mì xì xụp không bị xem là bất lịch sự và trên thực tế, đây là cách tiêu chuẩn để ăn mì ramen. Đừng lo lắng nếu bạn không thể làm việc đó một cách hoàn hảo, nhưng hãy cố gắng húp mì để có được trải nghiệm trọn vẹn về món mì ramen Nhật Bản.

 

Mì ăn liền được phát triển từ nhu cầu thực tế, nhưng đã trở thành mặt hàng chủ lực

 

Mì ăn liền thì sao?

Trong giai đoạn sau chiến tranh, Nhật Bản vẫn còn lao đao vì một trong những vụ thu hoạch lúa tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Nước Mỹ đã khuyến khích việc sản xuất bánh mì như một cách ít tốn kém để cứu trợ cho một quốc gia nghèo đói, nhưng ông Momofuku Ando tin rằng mì sẽ quen thuộc hơn so với bánh mì. Ông đã tìm ra phương pháp sản xuất loại mì có thể dễ dàng chuẩn bị và phân phối. Năm 1958, ông Momofuku Ando phát minh ra mì ăn liền đã được làm chín trước đó với niềm tin rằng “hòa bình sẽ đến với thế giới khi con người có đủ thức ăn.” Ông đã thành lập Nisshin, công ty đã tạo ra sản phẩm mì ly Cup Noodles. Mì ramen ăn liền đã phát triển rất nhiều kể từ lúc đó và bạn sẽ ngạc nhiên bởi sự đa dạng về các chủng loại mì có mặt ở Nhật Bản ngày nay. Những người thích mì ăn liền sẽ muốn tham quan Bảo tàng Cupnoodles ở Ikeda, Osaka hoặc Yokohama để tạo ra một ly mì Cup Noodles tùy chỉnh theo ý mình và tìm hiểu thêm về lịch sử của món ăn mang tính cách mạng này.

Mọi thông tin đều chính xác tính đến tháng 3 năm 2019.

 

Thông tin mới nhất có thể thay đổi, vì vậy vui lòng kiểm tra trang web chính thức



* Thông tin trên trang này có thể thay đổi do dịch COVID-19.

Từ khóa

có thể bạn cũng sẽ thích...

Please Choose Your Language

Browse the JNTO site in one of multiple languages