Trà đạo - một trải nghiệm đậm tinh hoa Nhật Bản bắt nguồn từ Trung Quốc
Từ một công việc đơn giản là chuẩn bị đồ uống cho khách, hoạt động này đã được nâng tầm thành một hình thức nghệ thuật được gọi là trà đạo. Trà đạo bao gồm một loạt các thao tác phức tạp được thực hiện theo thứ tự nghiêm ngặt. Theo đó, người nhận trà sẽ thưởng thức và bày tỏ lòng tôn trọng đối với trà đạo.
Trà đạo, hay còn được dịch trực tiếp là “lối uống trà”, là một bộ phận rất nhỏ trong đức hạnh omotenashi truyền thống của Nhật Bản. Trong tiếng Nhật, "omotenashi" có nghĩa là chăm sóc khách hết lòng.
Trà đạo trong tiếng Nhật được gọi là chanoyu hoặc sado. Nghệ thuật biểu diễn phương thức chuẩn bị và pha bột trà xanh matcha được gọi là otemae. Chakai là những buổi tụ họp thông thường để bày tỏ lòng trân trọng đối với nghi thức pha trà, còn chaji là từ dùng để chỉ những dịp trang trọng hơn. Một phiên bản khác ít phổ biến hơn của trà đạo chính là nghi thức sử dụng lá trà được gọi là senchado.
Bắt nguồn từ Thiền tông Phật giáo
Trà đạo được xem là một trong ba nghệ thuật cổ điển thuộc tinh hoa người Nhật bên cạnh thưởng hương kodo và cắm hoa kado. Trà đạo có nguồn gốc từ Thiền tông Phật giáo vào năm 815. Lúc bấy giờ, nhà sư Eichu trở về từ Trung Quốc đã đặc biệt chuẩn bị sencha cho Thiên hoàng Saga. Tại Trung Quốc, trà là một loại thức uống có lịch sử hơn một nghìn năm.
Thiên hoàng cảm thấy thích thú và ra lệnh trồng các đồn điền trà tại vùng Kinki ở phía tây Nhật Bản. Vì thế, giới quý tộc dần hình thành thói quen uống trà. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ thứ 12 thì trà mới bắt đầu trở nên phổ biến hơn.
Nghi thức tu hành của các nhà sư
Trà xanh được đưa vào các nghi thức tôn giáo ở các tu viện. Từ đó, thói quen thưởng trà nhanh chóng trở thành hoạt động gắn liền với tầng lớp quý tộc của xã hội Nhật Bản. Tiệc trà trở thành xu hướng sành điệu và phần lớn những người sành trà đều công nhận rằng Kyoto là nơi trồng được trà xanh ngon nhất từ loại hạt giống được một nhà sư khác mang từ Trung Quốc về Nhật Bản.
Những năm đầu thời kỳ Muromachi 1336 - 1573 đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhận thức thẩm mỹ Nhật Bản bao gồm cả trà đạo. Vào thế kỷ thứ 16, thói quen thưởng trà trở thành một hoạt động phổ biến trong mọi tầng lớp của xã hội Nhật Bản.
Sen no Rikyu được xem là nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử trà Nhật với triết lý rằng con người nên trân trọng mọi dịp gặp gỡ vì chúng ta không thể nào tìm lại được toàn bộ những khoảnh khắc đó. Bên cạnh đó, ông còn xác định các nguyên tắc cơ bản cần phải được đưa vào trà đạo, bao gồm: hòa, kính, thanh, tịnh.
Các trường phái trà đạo
Bất kể sự tồn tại của các trường phái trà đạo khác nhau cũng như những điểm khác biệt tinh tế giữa các trường phái, các trà sư hiện đại vẫn luôn tuân thủ tốt các nguyên tắc cơ bản.
Theo truyền thống, một buổi trà đạo sẽ diễn ra trong phòng trà chashitsu chuyên dụng với nền lò sưởi lát chiếu tatami. Các vật liệu được sử dụng trong công tác xây dựng và thiết kế đều hướng đến sự mộc mạc.
Các dụng cụ chuyên dụng được trà sư sử dụng bao gồm bát trà chawan, muỗng xúc bột trà làm từ tre và chổi đánh trà hay còn gọi là chasen cũng được đẽo từ tre.
Quy trình chuẩn mực
Mỗi trường phái đều có những thay đổi nhỏ trong các bước pha trà chuẩn mực cho một buổi trà đạo nhưng nhìn chung vẫn duy trì được một số nét tương đồng. Theo đó, khách thưởng trà sẽ cởi giày trước khi được dẫn vào phòng chờ của phòng trà. Sau khi khách thưởng trà được chủ quán chào đón bằng một cái cúi đầu im lặng, họ sẽ thực hiện nghi thức thanh tẩy tại một bồn đá bằng cách rửa tay và súc miệng trước khi vào phòng lát chiếu tatami. Tại đây, họ sẽ đưa ra lời bình về bức tranh giấy được treo trong hốc tường hoặc tác phẩm cắm hoa theo mùa.
Ngay khi các vị khách yên vị trong tư thế quỳ seiza, trà sư sẽ bắt đầu nghi thức bằng cách lau chùi các dụng cụ thật tỉ mỉ theo một thứ tự chính xác. Sau đó, trà sư sẽ thận trọng đặt ấm trà lên lửa than và đun trà. Trà sư sẽ rót lượt trà cuối cùng vào bát trà và trao cho vị khách đầu tiên và cũng là vị khách quan trọng nhất.
Người thưởng trà sẽ nâng bát lên để thể hiện sự tôn trọng với trà sư. Tiếp theo, họ sẽ xoay nhẹ bát trà để tránh không uống trà từ phía trước rồi nhấp một ngụm trà và khen ngợi trà sư về hương vị trà và bát trà. Sau đó, họ sẽ chuyển bát trà cho vị khách tiếp theo. Vị này sẽ lặp lại quy trình và xoay vòng cho đến mọi vị khách đều đã thưởng trà.
Tầm quan trọng của nghi thức
Nghi thức là một bộ phận quan trọng góp phần hình thành trải nghiệm hoàn chỉnh. Vì thế, trà sư sẽ luôn mặc kimono trong lúc thực hiện nghi thức. Đối với các dịp trang trọng, khách tham dự nên mặc com-lê. Tuy nhiên, trong các nghi thức mô phỏng quy trình cho khách thưởng trà thì không yêu cầu trang phục trang trọng. Bất cứ ai có cơ hội trải nghiệm một buổi trà đạo nên cố gắng thực hiện các thao tác phù hợp. Những lỗi nhỏ trong thao tác vẫn sẽ được châm chước.
Sau đó, khách thưởng trà sẽ có cơ hội nhâm nhi những chiếc bánh ngọt nhỏ trong khi chủ quán tiếp tục chuẩn bị lượt trà thứ hai. Trong lúc này, khách thưởng trà sẽ đưa ra nhận xét về cách bày trí tài tình và mức độ tinh xảo của các dụng cụ được sử dụng để thực hiện nghi thức. Các món điểm tâm khéo léo được làm từ các nguyên liệu theo mùa sẽ được phục vụ trong quá trình thực hiện nghi thức trà đạo.
Khách thưởng trà có thể đến thăm các phòng trà tại chùa chiền, vườn truyền thống Nhật Bản, cơ sở văn hóa và khách sạn để trải nghiệm nghi thức trà đạo. Trong đó, cố đô Kyoto là cái tên nổi bật nhất với danh xưng trung tâm văn hóa truyền thống Nhật Bản. Thông thường, một buổi trà đạo trang trọng đầy đủ quy trình có thể kéo dài đến vài giờ. Tuy nhiên, một số địa điểm có cung cấp các phiên bản rút gọn phù hợp hơn cho du khách nước ngoài.
Học trà đạo
Đối với bất cứ ai muốn tìm hiểu thêm về nét truyền thống lâu đời này thì có thể cân nhắc các khóa học về thưởng trà và quy trình thực hiện nghi thức do các trường phái trà đạo trên toàn quốc cung cấp. Những khóa học này luôn duy trì được sức hút cố định với phụ nữ trẻ và được xem là phương thức thể hiện sự tôn kính thông qua cử chỉ thanh lịch và nghi thức chuẩn mực. Tuy nhiên, để có thể thực hiện thành thạo nghệ thuật trà đạo thì người học sẽ phải mất nhiều năm luyện tập. Ngay cả trà sư - những người đã dành phần lớn cuộc đời họ cho bộ môn phức tạp này - cũng luôn khẳng định rằng họ vẫn phải tiếp tục trau dồi thêm.
* Thông tin trên trang này có thể thay đổi do dịch COVID-19.