HOME Back

Use the

Planning a Trip to Japan?

Share your travel photos with us by hashtagging your images with #visitjapanjp

story guide story guide

HƯỚNG DẪN Nhà hát ở Nhật Bản Hãy ngồi xuống và thưởng thức màn biểu diễn của nhà hát Nhật Bản truyền thống

(Hình ảnh thuộc bản quyền của ©SHOCHIKU)

Kabuki, nohgaku (noh và kyogen), và nghệ thuật múa rối bunraku tạo thành những loại hình cơ bản trong lĩnh vực biểu diễn sân khấu của Nhật Bản

Kịch sân khấu Nhật Bản truyền thống là sự kết hợp đầy màu sắc và cuốn hút của vũ đạo, kịch và nhạc đệm. Nguồn gốc của những nghệ thuật biểu diễn này đã có từ nhiều thế kỷ và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc công nhận khi đưa những nghệ thuật này vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của Nhân loại. Hàng trăm rạp trên toàn quốc vẫn tổ chức biểu diễn đến ngày nay.

Năm 2008, kabuki, nohgaku (noh và kyogen) và nghệ thuật múa rối bunraku trở thành những nghệ thuật biểu diễn đầu tiên của Nhật Bản được ghi vào danh sách của UNESCO, giúp nhấn mạnh tầm quan trọng của những nghệ thuật này đối với di sản và lịch sử biểu diễn của Nhật Bản.

 

 

Kabuki là gì?

Kabuki được cho là hình thức kịch sân khấu Nhật Bản nổi tiếng nhất và xuất hiện vào đầu thế kỷ 17 tại Kyoto, nơi có truyền thuyết rằng một vu nữ ở Đại đền Izumo no Okuni của thành phố đã khởi xướng biểu diễn phong cách kịch múa mới. Những màn trình diễn đó đã thu hút sự chú ý của triều đình, nơi cô được mời đến để biểu diễn.

Sau khi được triều đình đóng dấu chấp thuận, các đoàn kịch cạnh tranh nhanh chóng xuất hiện và kabuki đã phát triển thành màn biểu diễn của phụ nữ kết hợp nhảy múa và kịch. Kabuki sớm truyền đến Edo, Tokyo hiện nay và các nhà hát kabuki trở thành nơi thu hút nhiều người đến xem vì nơi đây có thời trang và phong cách mới nhất, cũng như để giải trí.

Tuy nhiên, trước giai đoạn cuối thế kỷ thứ 17, phụ nữ bị cấm biểu diễn và mọi vai diễn đều do nam giới đảm nhận, những người đàn ông đảm nhận vai nữ được gọi là “onnagata”.

“Thời hoàng kim” của kabuki

Cấu trúc và phong cách của Kabuki đã được hình thức hóa và các kiểu nhân vật đã trở nên có tính thiết lập hơn bắt đầu từ đầu thời kỳ Edo (những năm 1600) cho đến ngày nay.

Cốt truyện Kabuki lấy cảm hứng dựa trên các sự kiện lịch sử, cũng như những mâu thuẫn đạo đức trong các mối quan hệ. Các diễn viên – một số người có đông đảo người hâm mộ như các ngôi sao nhạc pop ở phương Tây – nói giọng đều đều, kèm theo tiếng nhạc cụ.

 

Bên trong Nhà hát Minamiza ở Kyoto ©SHOCHIKU

 

Có một số địa điểm chuyên về kabuki ở các thành phố lớn của Nhật Bản, như Kabukiza Nhà hát Quốc gia ở Tokyo và Nhà hát Minamiza ở cố đô Kyoto. Các địa điểm chính sẽ cung cấp màn hình hoặc thiết bị thông tin giải thích cốt truyện và bình luận bằng tiếng Anh.

 

Rối là hình thức giải trí cao cấp của Nhật Bản

 

Múa rối

Bunraku, hay còn gọi là nghệ thuật kịch rối Nhật Bản, được xem là loại hình nghệ thuật giải trí cầu kỳ nhất trên thế giới, với ba nghệ sĩ múa rối điều khiển một nhân vật duy nhất.

Sự tinh tế trong chuyển động của con rối, dáng đi giống như thật, sự hài hòa hoàn hảo giữa hành động của búp bê, lời dẫn của người kể chuyện và âm nhạc đã trải qua nhiều thế hệ để đạt đến độ hoàn hảo.

Bunraku được trình diễn lần đầu tiên tại Osaka vào năm 1684. Trong các màn trình diễn này, chuyển động của nhân vật chính được thực hiện bởi một nghệ sĩ múa rối di chuyển chân, một nghệ sĩ khác di chuyển tay trái và nghệ sĩ múa rối chính điều khiển đầu, mặt và tay phải. Trong thế giới của bunraku, phải mất 15 năm luyện tập miệt mài mới có thể khiến cho chuyển động của bàn chân trở nên thực sự giống con người và 15 năm nữa để điều khiển tay trái một cách khéo léo. Chỉ khi đó nghệ sĩ múa rối mới có thể xem xét chuyển sang di chuyển phần đầu.

Các bậc thầy múa rối, người thường xuất hiện trên sân khấu với trang phục màu đen, được hỗ trợ bởi “tayu”, người lồng tiếng cho tất cả các nhân vật trong vở kịch cũng như đóng vai trò người dẫn chuyện. Âm nhạc là thành phần cuối cùng – nhưng cũng quan trọng không kém – của màn trình diễn, với người chơi đàn luýt “shamisen” cùng dàn nhạc đầy đủ gồm sáo “shakuhachi”, nhạc cụ có dây “koto” và đôi khi là trống “taiko”.

Nhà hát Bunraku Quốc gia ở Osaka và Nhà hát Quốc gia Tokyo là những địa điểm dễ dàng tiếp cận đối với du khách nước ngoài, có cung cấp hướng dẫn bằng âm thanh để dịch đoạn hội thoại và lời bài hát sang một số ngôn ngữ cho các màn biểu diễn được chọn.

 

Nhạc sống là một phần quan trọng trong biểu diễn sân khấu

 

Noh và kyogen

Nghệ thuật biểu diễn noh và kyogen bổ khuyết cho nhau.

Noh là hình thức kịch nghệ Nhật Bản tồn tại lâu đời nhất và có tên gọi bắt nguồn từ chữ năng trong “kỹ năng” hoặc “tài năng”. Đây là loại hình nghiêm túc hơn, trong đó diễn viên chính đeo mặt nạ trong một số phân cảnh để góp phần truyền tải câu chuyện tốt hơn. Noh cũng dựa vào âm nhạc ở mức độ nhiều hơn. Ban đầu kyogen đóng vai trò là màn biểu diễn trong lúc tạm nghỉ giữa các màn kịch noh và thiên về hội thoại cùng hành động hài hước, kết hợp cả hai thể loại này gọi là kịch nghệ Nogaku.

Noh có nguồn gốc từ thế kỷ 8 nhưng đã phát triển thành hình thức ngày nay vào thế kỷ 14, được thúc đẩy bởi người biểu diễn kiêm nhà viết kịch Kannami và con trai ông, Zeami. Nhiều vở kịch họ viết vẫn là những phần quan trọng trong khoảng 250 vở kịch tạo nên vốn tiết mục biểu diễn noh.

Noh phát triển mạnh mẽ trước và trong thời kỳ Edo (năm 1603 đến năm 1867) khi lãnh chúa phong kiến trên khắp Nhật Bản hỗ trợ các đoàn kịch của riêng họ và tự nghiên cứu loại hình nghệ thuật này. Noh mất đi sự trọng đãi vào đầu thời kỳ Meiji (1868-1912) tiếp sau đó, nhưng những người biểu diễn đã có đủ người bảo trợ riêng để giữ cho hình thức nghệ thuật tồn tại. Ngày nay, môn nghệ thuật này lại phát triển mạnh một lần nữa và được công nhận là một phần quan trọng trong di sản quốc gia.

Có năm tuýp nhân vật kịch noh, gồm các vị thần, các chiến binh, những người phụ nữ xinh đẹp, các sinh vật linh tinh và ma quỷ. Theo truyền thống, chương trình Noh trọn ngày sẽ bắt đầu bằng câu chuyện Okinawa-Sanbaso mang tính nghi thức, tiếp theo là một vở kịch từ mỗi tuýp nhân vật cùng màn trình diễn kyogen giữa mỗi vở kịch.

Các màn biểu diễn Noh thường rất dài, và đôi khi còn được dàn dựng ngoài trời suốt những tháng hè. Nhà hát Noh Quốc gia ở Tokyo cùng các cơ sở tương tự ở Nagoya và Osaka tổ chức biểu diễn thường xuyên, một số trong đó có kèm bản dịch, mặc dù các trường noh khác nhau có địa điểm cố định riêng, bao gồm ở Kyoto và Nara. Tương tự như vậy, các nhà hát của tỉnh và thành phố tổ chức biểu diễn trên khắp Nhật Bản, mặc dù chỉ một vài nơi cung cấp phương tiện phiên dịch cho những người không nói tiếng Nhật.

 

Geisha và Maiko thuần thục về các loại hình nghệ thuật âm nhạc và vũ đạo truyền thống

 

Những nghệ thuật biểu diễn khác

Geisha và maiko – geisha tập sự – cũng biểu diễn âm nhạc và vũ đạo tại các quán trà hoặc ở những địa điểm chuyên môn như Gion Hatanaka ở quận Gion thuộc Kyoto, cũng như tại các sự kiện công cộng vào những thời điểm khác nhau trong năm. Tương tự như vậy, bạn có thể thưởng thức các buổi biểu diễn nhạc cung đình “gagaku” tại Nhà hát Quốc gia ở Tokyo hoặc trong các buổi lễ tại chùa và đền.

Kịch Nhật Bản hiện đại đã trở nên phổ biến vào đầu những năm 1900, bao gồm diễn giải thực nghiệm “shingeki” về kịch nghệ phương Tây, khi các vở kịch trở nên phức tạp hơn sau chiến tranh, kết hợp nhiều nguyên lý của kịch noh hoặc kabuki cổ điển với các hình thức nước ngoài đương đại.

Mọi thông tin cho đến thời điểm tháng 3 năm 2019 đều chính xác.

 

Thông tin mới nhất có thể thay đổi, vì vậy vui lòng kiểm tra trang web chính thức



* Thông tin trên trang này có thể thay đổi do dịch COVID-19.

có thể bạn cũng sẽ thích...

Please Choose Your Language

Browse the JNTO site in one of multiple languages