Không gian mở tuyệt đẹp để kỷ niệm một trong những thời khắc đen tối nhất trong lịch sử Nhật Bản
Vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, Thành phố Hiroshima trở thành mục tiêu trong cuộc tấn công hạt nhân tàn khốc và khoảng 66.000 người đã bị giết chết ngay tức thì. Nơi đã từng là khu thương mại của Hiroshima hiện đã trở thành Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima. Hãy dành 30 phút để ngắm nhìn mái vòm và dành thêm một vài giờ để khám phá trọn vẹn công viên cùng với vô số tượng đài và đài tưởng niệm trong công viên. Bạn có thể kết hợp chuyến tham quan công viên với chuyến ghé thăm Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima gần đó.
Thông tin nhanh
Công viên chính thức mở cửa vào ngày 1 tháng 4 năm 1954
Lễ hội Hoa Hiroshima được tổ chức trong công viên từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 5 hàng năm
Trong công viên có hơn 70 đài tưởng niệm.
Phương thức di chuyển
Hãy đi xe điện từ Ga Hiroshima và xuống xe tại trạm dừng Genbaku Dome-Mae, chuyến đi này chỉ mất 15 phút.
Mái vòm Bom Nguyên tử
Một trong những kiến trúc duy nhất không bị phá hủy hoàn toàn là A-Bomb Dome, nơi từng là Trụ sở xúc tiến công nghiệp tỉnh. Địa điểm được bảo tồn nguyên vẹn và mặc dù được rào lại để ngăn công chúng tham quan nhưng vẫn nằm trong khoảng cách có thể quan sát rõ và được chiếu sáng vào ban đêm. Mái vòm này đã được đưa vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO năm 1996.

Đài tưởng niệm và tượng đài ở gần đó
Gò Tưởng niệm có chứa tro cốt hỏa táng của 70.000 nạn nhân không xác định được danh tính. Trong số những người đã mất trong vụ nổ bom, ước tính có khoảng 45.000 người Hàn Quốc (mặc dù người ta vẫn thường tranh luận về con số này). Bia kỷ niệm dành cho nạn nhân Hàn Quốc là nơi vinh danh hàng ngàn người vô danh đã thiệt mạng.
Ngọn lửa Hòa bình vẫn luôn được đốt cháy kể từ khi được thắp sáng lần đầu tiên vào năm 1964; và ngọn lửa này vẫn sẽ tiếp tục bùng cháy cho đến khi thế giới không còn vũ khí hạt nhân.


Đài tưởng niệm Hòa bình của Trẻ em là bức tượng một cô bé đang dang rộng hai cánh tay của mình để nâng một con hạc giấy origami. Người ta nói rằng bức tượng này mô phỏng Sadako Sasaki, một cô bé bị mắc bệnh sau vụ nổ bom và tin rằng mình sẽ sống sót nếu gấp đủ 1.000 con hạc giấy. Thật không may, cô bé đã mất vì nhiễm độc phóng xạ trước khi có thể hoàn thành mục tiêu của mình.
Có lẽ đài tưởng niệm nổi tiếng nhất của công viên là Bia Tưởng niệm, một vòm cung được cho là tượng trưng cho nơi trú ẩn của các nạn nhân trong vụ đánh bom hạt nhân. Vòm cung này đã được bố trí để ôm gọn phần tàn tích đã bị phá hủy một phần của Mái vòm Bom Nguyên tử.
