HOME Back

Use the

Planning a Trip to Japan?

Share your travel photos with us by hashtagging your images with #visitjapanjp

Thưởng ngoạn mùa thu lá đỏ trên thành phố Toyota

Hôm nay, bạn Trung - một du học sinh ngành kỹ thuật điều khiển robot tại trường Đại học Công nghiệp Nagoya - sẽ có một ngày trải nghiệm hai thắng cảnh nổi tiếng của thành phố Toyota, tỉnh Aichi để thưởng ngoạn những bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc và lắng nghe những câu chuyện về các món ăn địa phương, lịch sử và văn hóa của vùng đất này.

 

Trần Vũ Trung

Sinh viên theo học chương trình thạc sỹ tại trường Đại học Công nghiệp Nagoya. Là một chàng trai đam mê công nghệ, thích viết văn và đi du lịch.

Toyota là một thành phố công nghiệp nổi tiếng của tỉnh Aichi, miền Trung Nhật Bản. Ở một vùng đất mà lịch sử phát triển kinh tế mang đậm dấu ấn của nhà sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới - Toyota Motor Corporation, thật không quá ngạc nhiên khi thành phố ấy sở hữu một lượng lớn các bảo tàng và trung tâm triển lãm tầm cỡ về công nghệ ô-tô. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, bên cạnh hơi thở của một thủ đô công nghiệp, nơi đây còn sở hữu những cảnh đẹp thiên nhiên vô cùng độc đáo. Nhờ cơ duyên cùng Cơ quan Xúc tiến Du lịch Việt Nam (JNTO) mình đã có một ngày du lịch trải nghiệm hai điểm đến trứ danh: công viên Obara Fureai và thung lũng Korankei, được cảm nhận vẻ đẹp mùa thu thơ mộng của thành phố này.

1. Công viên Obara Fureai: nơi hai mùa xuân - thu gặp gỡ

Sau khoảng hơn một giờ đồng hồ di chuyển bằng tàu điện từ ga Nagoya tới ga Toyota-shi, và thêm một giờ nữa trên xe buýt, mình đã đến với địa điểm đầu tiên của chuyến đi - công viên Obara Fureai.

 

Không mất phí vào cửa và tọa lạc ở vị trí ngay gần trạm xe buýt, đây chắc hẳn là một điểm ngắm hoa anh đào bạn không thể bỏ qua khi ghé thăm quận Obara của thành phố Toyota. Ngay khi vừa đặt chân đến, mình đã nhận ra sự độc đáo hiếm có của cảnh sắc mùa thu nơi đây: trên nền đỏ rực của lá phong thu Momiji, thấp thoáng ánh hồng nhạt của hoa anh đào. Loài hoa đặc biệt ấy được người dân ở Toyota đặt tên là “Shikizakura”, trong tiếng Nhật nó có nghĩa là “hoa anh đào nở bốn mùa”.

 

 

Thực tế, cây anh đào Shikizakura ra hoa 2 lần trong một năm, lần đầu vào mùa xuân như những loài hoa Sakura thông thường, lần thứ hai là trong tiết trời mùa thu cuối tháng 10 và nở rộ đẹp nhất vào tháng 11-12, trùng với mùa lá đỏ Momiji. Vào thời điểm đầu tháng 11 khi mình đến thăm Obara, phần lớn các cây Shikizakura mới chỉ đang chúm chím một vài bông anh đào nở sớm, dù vậy cũng đã đủ làm nhiều du khách say đắm ngắm nhìn.

Đi sâu vào trong công viên, mình bắt gặp một quảng trường nơi người dân địa phương tổ chức các lễ hội ngắm hoa anh đào xuyên suốt tháng 11. Tuy ngày mình đến thì không có sự kiện văn hóa nào diễn ra, nhưng các hàng quán của lễ hội vẫn mở cửa để phục vụ du khách. Các món ăn được bày bán mang đậm nét ẩm thực của tỉnh Aichi nói chung, từ các loại mỳ như Ramen, Udon đến các loại đồ chiên, nướng. Sau một hồi dạo quanh, mình đã quyết định chọn các món “Tamagoyaki”, “Kishimen” và “Amazake” cho bữa trưa. Tamagoyaki là món trứng chiên khá nổi tiếng của Nhật, tuy nhiên Tamagoyaki ở Obara có điểm khác lạ là trứng được quấn quanh que tre tạo thành hình ống nhờ một chiếc máy đặc biệt. Hương vị của món này khá gần với trứng ốp la, chấm thêm một chút nước xốt ăn tuyệt ngon.

 

Món tiếp theo, Kishimen, là một món mỳ nổi tiếng của tỉnh Aichi mà mình rất yêu thích. Sợi mỳ dẹt, có hình dạng khá giống với sợi phở Việt Nam nhưng dẻo và dai hơn. So với Ramen hay Soba, nước dùng của Kishimen trong và thanh nhẹ; còn so với Udon, sợi mỳ Kishimen dẹt nên thấm đều gia vị và đậm đà hơn.

 

Cuối cùng, bữa ăn nhẹ kết thúc với Amazake, một loại rượu ngọt được làm từ gạo lên men rất phổ biến ở Nhật Bản. Dù tên gọi có chữ “rượu” (sake), nồng độ cồn trong Amazake rất thấp. Thức uống này có dạng sền sệt, khi uống gần như mình chỉ cảm nhận được vị ngọt sắc và vị gừng. Sau khi uống một cốc Amazake ấm nóng, mình cảm thấy tràn đầy năng lượng và sẵn sàng tiếp tục cuộc hành trình.

 

2. Thung lũng Korankei: nơi mùa thu rực rỡ bất kể ngày đêm

Di chuyển bằng xe buýt từ công viên Obara Fureai, thêm một lần đổi chuyến tại điểm dừng Shigo, phải mất 2 giờ đồng hồ mình mới đến được thung lũng Korankei, nơi được biết đến là địa danh ngắm lá đỏ đẹp nhất của vùng Tokai. Thật may thời điểm 4 giờ 30 chiều vẫn chưa phải là quá muộn để mình có thể chiêm ngưỡng được trọn vẹn cảnh sắc nơi đây. Korankei quả thực là một bức tranh sơn thủy hữu tình, được tạo ra bởi dòng sông Tomoe êm đềm và bao quanh bởi ngọn núi Iimori. Những sườn đồi hai bên bờ sông được bao phủ bởi khoảng 4,000 cây phong với đa dạng các chủng loại như Iroha-momiji, Omomiji, cùng hơn 10 loài phong Nhật Bản khác. Điểm xuyết trong bức tranh ấy là chiếc cầu sơn son thếp đỏ bắc qua sông Tomoe có tên Taigetsukyo (cầu đợi trăng), một biểu tượng của Korankei, nơi lý tưởng để mình lưu giữ những bức ảnh kỉ niệm tuyệt vời.

 

 

 

 

Hoàng hôn buông xuống cũng là lúc những cây phong trong thung lũng được thắp sáng (light up), ánh sáng ấy tiếp tục phản chiếu xuống dòng sông Tomoe, tạo nên một cảnh đêm huyền ảo riêng biệt mà chỉ mùa thu ở Korankei mới có. Nếu như ban ngày, thung lũng mang vẻ đẹp nên thơ của sắc màu thiên nhiên mùa thu, thì buổi đêm, nó lại khoác lên mình vẻ lãng mạn trữ tình nhờ những ánh đèn vàng nhân tạo.

Bước qua cây cầu Taigetsukyo, hàng phong trong ánh đèn mờ ảo đưa lối mình đến với những ngôi nhà cổ của làng Sanshu Asuke Yashiki, một không gian văn hóa ngoài trời với các xưởng thủ công mỹ nghệ truyền thống. Tuy nhiên có vẻ rằng mình đã tới chậm chân để được trải nghiệm các hoạt động làm đồ thủ công dành cho du khách mất rồi, chỉ còn được ngắm nhìn hình ảnh những trước lá vàng vương đầy trên mái nhà xưa mộc mạc, một khung cảnh gợi nên chút gì đó hoài cổ, man mác, đậm âm hưởng mùa thu.

 

 

Dọc theo phía bên kia bờ ven sông, các hàng quán ngăn nắp nối đuôi nhau thành một con phố dài với các món ăn được bày bán rất đa dạng về phong cách, mùi vị cũng vô cùng hấp dẫn. Khi vào đến không gian ẩm thực ở quảng trường Korankei Hiroba, mình đã chọn ăn thử một số món: Mitarashi-dango, Matsutake-gohan, và Sakeyaki-onigiri. Mitarashi-dango là một loại bánh làm từ bột gạo có dạng viên tròn và được xiên vào que tre, có vị mặn ngọt. Món cơm nấm Matsutake-gohan khá ngon với vị ngọt tươi của nấm, tuy nhiên vì nấm Matsutake rất mắc và quý, là đặc sản vào mùa thu nên phần cơm bình dân thường không được bỏ nhiều, tạo cảm giác thòm thèm.

 

 

Còn về món cơm nắm nướng cá hồi Sakeyaki-onigiri, lớp ngoài của miếng cơm nắm được rưới một lớp nước tương Shoyu ăn khá đậm đà. Tiếp đó, mình cũng đã kịp thưởng thức thêm món Shu-cream bày bán ở một cửa hiệu hamburger có tấm vải đỏ quảng cáo khá bắt mắt. Chiếc bánh Shu-cream này được tạo hình giống bánh Hamburger và nhân kem nhìn cũng rất giống với nhân thịt. Vỏ bánh mỏng, mềm và nhân kem ngọt, ngậy xứng đáng là món tráng miệng mà bạn không nên bỏ qua khi đến với Korankei nhé.

Từ quảng trường Korankei Hiroba đi tiếp vào trong bạn cũng dễ dàng bắt gặp khu vực bày bán đồ lưu niệm, phổ biến là các loại bánh trái, vật dụng trang trí và sản phẩm thủ công của làng nghề.

 

Một điểm thú vị là hầu hết các đồ lưu niệm ở đây được tạo kiểu dáng theo hình lá phong để gợi nhớ về nét đặc trưng của thung lũng lá đỏ Momiji trong lòng du khách bốn phương.

Cảm tưởng

Chuyến đi trong ngày tuy ngắn ngủi nhưng cũng đã để lại cho mình ấn tượng khó phai về phong cảnh thiên nhiên mùa thu tuyệt diệu, đầy màu sắc của thành phố Toyota. Bên cạnh đó, mình cũng vô cùng nể phục cách làm du lịch của người dân địa phương. Dù trải qua nhiều thập kỉ phát triển kinh tế nhờ công nghiệp nhưng họ vẫn luôn bảo tồn, giữ gìn được giá trị vẻ đẹp cảnh quan mà thiên nhiên ưu ái ban tặng, cũng như công sức mà cha ông họ đã dày công vun đắp. Trên thực tế, Shikizakura và Momiji không phải là những loài cây bản địa ở nơi đây. Những hạt giống đầu tiên của cây anh đào Shikizakura được đem đến Obara bởi một nhà vật lý có tên Genseki Fujimoto vào đầu thế kỷ 19, đến năm 1978 nó chính thức trở thành loài cây biểu tượng của khu vực này. Trong khi đó, những cây phong Momiji ở Korankei được nhà sư của đền Kojaku-ji vun trồng từ năm 1634, người dân địa phương kể từ ấy qua các thế hệ tiếp nối nhau trồng thêm nhiều cây phong nữa, nhờ vậy mà tạo ra được một cảnh quan thung lũng tuyệt đẹp như ngày nay. Câu chuyện của Obara và Korankei, cùng cách phát triển kinh tế bền vững của Toyota là minh chứng cho một phẩm chất cao quý của người Nhật Bản nói chung và người dân Aichi nói riêng: thầm lặng cống hiến, vun đắp và bảo vệ những giá trị tuyệt vời cho các thế hệ tương lai.

Thông tin chi tiết các điểm tham quan trong bài

 

Công viên Obara Fureai

Thời gian mở cửa: 9:00 AM - 4:00 PM, vào cửa miễn phí.

Cách đi từ Nagoya:

Từ ga Meitetsu Nagoya, lên tàu tuyến Meitetsu Nagoya Main Line đến ga Chiryu, đổi tàu tuyến Meitetsu Mikawa Line và xuống ga Meitetsu Toyotashi. Tại ga Toyotashi, tìm đến điểm đón xe buýt số 1, lên xe Toyota Oiden Bus tuyến Obara-Toyota (小原・豊田線) đi Kaminigi (上仁木). Xuống điểm dừng Obara Okusa (小原大草) và đi bộ 5 phút theo các bảng chỉ dẫn là đến công viên Obara Fureai.

URL:http://www.kankou-obara.toyota.aichi.jp/english/ (tiếng Anh)

 

Thung lũng Korankei

Thời gian light-up: từ lúc hoàng hôn đến 9:00 PM tất cả các ngày trong tháng 11.

Cách đi từ Nagoya:

Từ ga Meitetsu Nagoya, lên tàu tuyến Meitetsu Nagoya Main Line, xuống ga Higashi-okazaki, rồi lên xe Meitetsu Bus tuyến Okazaki-Asuke (岡崎・足助線) đi Asuke (足助) và xuống điểm dừng Korankei (香嵐渓).

Cách đi từ công viên Obara Fureai:

Từ điểm dừng xe buýt Obara Okusa (小原大草) gần công viên, lên xe Toyota Oiden Bus tuyến Obara-Toyota (小原・豊田線) đi Toyotashi (豊田市), xuống điểm dừng Shigo (四郷) đổi tuyến Sanage-Asuke (さなげ・足助線) đi Hyakunenso (百年草) và xuống điểm dừng Korankei (香嵐渓).

*Trong khoảng 10/11-30/11, sẽ có tuyến xe buýt non-stop đặc biệt của Ohwa Bus chạy thẳng từ công viên Obara Fureai đến Korankei và ngược lại, tiết kiệm được một nửa thời gian và chi phí so với cách đi theo tuyến buýt thông thường kể trên.

URL:http://asuke.info/foreign/english.html (tiếng Anh)

 

Làng cổ Sanshu Asuke Yashiki:

Thời gian mở cửa: 9:00 AM - 5:00 PM, ngoại trừ các ngày thứ Năm, các ngày nghỉ lễ cuối năm và năm mới, ngày thứ Tư của tuần thứ ba trong tháng 6.

Vé vào cửa: 300 Yên đối với người lớn, và 100 Yên đối với trẻ em (6-18 tuổi). Các hoạt động trải nghiệm làm đồ thủ công sẽ tính thêm phí (400-2,000 Yên) và yêu cầu đặt chỗ trước.

URL:https://www.hyakunensou.co.jp/yashiki/ (tiếng Anh)

Một số lưu ý

- Khi đến bất kỳ điểm du lịch nào, hãy tìm và nhận lấy các tờ hướng dẫn du lịch, chúng sẽ cung cấp bản đồ và rất nhiều thông tin hữu ích khác cho chuyến tham quan của bạn đấy nhé.

- Nếu lựa chọn sử dụng các phương tiện công cộng cho chuyến du lịch ở Aichi, bạn nên sắm cho mình một chiếc thẻ Manaca ngay khi đặt chân đến Nagoya. Đây là một loại thẻ tích hợp điện tử (IC card) dùng để đi tàu điện hay xe buýt rất phổ biến ở khu vực Nagoya. Bạn có thể dễ dàng mua thẻ Manaca (loại không cần đăng kí) ở tất cả các ga tàu điện ngầm (subway) và nạp tiền cho thẻ tại máy bán vé tự động có ở hầu hết các ga tàu. Khi qua cửa soát vé tàu hoặc lên xe buýt, bạn chỉ cần chạm thẻ vào máy soát vé hoặc hộp thu tiền, thẻ sẽ tự động tính toán và trừ tiền dựa trên thông tin được lưu về hành trình của bạn, rất nhanh chóng và tiện lợi. Tuy nhiên, bạn sẽ mất một khoản phí đặt cọc lúc mua thẻ là 500 yên (khi trả lại thẻ Manaca, bạn sẽ được hoàn lại 500 yên này).
URL:https://www.kotsu.city.nagoya.jp/vi/pc/MANACA/TRP0002205.htm (tiếng Việt)

- Ở thành phố Toyota, phương tiện công cộng di chuyển chủ yếu là xe buýt. Đừng quá lo lắng nếu bạn không biết tiếng Nhật vì trên xe được trang bị bảng điện tử với thông tin điểm dừng hiển thị cả bằng chữ tiếng Anh. Khi sử dụng xe buýt ở Nhật nói chung và Toyota nói riêng, các bạn chú ý nên xếp hàng khi đợi lên xe, đừng quên lấy vé được xuất ra từ chiếc máy đặt ở cửa lên, trên xe không nói chuyện ồn ào, khi xuống xe hãy quan sát giá tiền trên bảng điện tử ở ô tương ứng với số ghi trên vé đã lấy, nên chuẩn bị tiền lẻ để thuận tiện cho việc thanh toán. Cuối cùng, đừng quên nói “Arigatou gozaimasu” để cảm ơn tài xế nhé.

 

Tìm kiếm

Categories

Tags

Authors

Please Choose Your Language

Browse the JNTO site in one of multiple languages