Xe bus đưa tôi tới sân bay Nội Bài trong một tối muộn tháng 11. Máy bay cất cánh, Hà Nội nhỏ dần, nhỏ dần cho tới khi chỉ còn là tập hợp của những chấm sáng. Tôi ngủ thiếp đi trên máy bay, không ai ngồi ở băng ghế kế bên. Chuyến đi chỉ có mình tôi xuất phát từ Hà Nội, quá cảnh tại sân bay Incheon, Hàn Quốc để nhập đoàn trước khi bay tới Sendai, thủ phủ tỉnh Miyagi thuộc vùng Tohoku, Nhật Bản.
Lúc ấy, tôi còn là biên tập viên của một tạp chí nhỏ về du lịch. Tôi nghĩ mình chưa bao giờ đi đủ nhiều, viết đủ lâu và sâu để nhận mình là một phóng viên thực thụ, tôi mới chỉ là một người viết thiếu kinh nghiệm. Đây là lần đầu tôi trực tiếp ra nước ngoài lấy tư liệu viết bài thay vì tìm kiếm thông tin trên internet và biên tập lại nội dung. Trước chuyến đi, tôi không có nhiều kiến thức về Miyagi. Qua internet, tôi biết đây là nơi từng chịu ảnh hưởng nặng nề của thảm họa kép động đất, sóng thần năm 2011. Chỉ có vậy, tôi không quá mong chờ. Tôi từng đến Tokyo, Yokohama, Osaka, Kyoto trong các chuyến đi với mục đích khác. Những nơi này đều nổi tiếng và được nhiều người Việt Nam biết tới. Tôi đã khá lo lắng, không rõ Miyagi sẽ cho tôi điều gì, liệu nó có giúp tôi hoàn thành bài viết theo yêu cầu?
Đại diện chính quyền địa phương đón tiếp chúng tôi rất chu đáo từ khi nhập cảnh. Chúng tôi đi thẳng từ sân bay về nhà hàng để dùng bữa trưa. Miyagi bắt đầu lướt qua cửa sổ ô tô với cảnh vật bình dị, những ngôi nhà kiểu Nhật đặc trưng nhỏ nhắn, vuông vức có tường trắng và mái nhà nâu sẫm, các biển hiệu chữ Nhật giống trên anime mà tôi từng xem, chạy trên đường là dòng ô tô nhỏ lanh lẹ lao vun vút. Nhà hàng sushi sạch sẽ và ngăn nắp. Sushi nhanh chóng được mang lên, lấp đầy những chiếc bụng đói ngấu của chúng tôi.
Từ giây phút đưa miếng sushi tươi ngon vào miệng và chậm rãi thưởng thức, tôi đã biết đó là món quà mà biển dành tặng Miyagi. Chỉ ở những nơi nằm kế bên biển thế này, bạn mới có thể thưởng thức hải sản tươi ngon đến thế. Sau đó tôi mới biết Miyagi có lãnh hải thuộc vùng biển Sanriku - ngư trường lớn thứ ba trên thế giới.
Một chiều, xe đưa chúng tôi đi dọc theo con đường ven biển của thị trấn Onagawa, một bên là rừng tuyết tùng thân trắng cao vút, một bên là biển. Chúng tôi thích thú lên con tàu đánh cá nhỏ, tiến ra biển. Lưới vừa kéo lên, nặng trĩu hàu và hải tiêu, đặc sản Miyagi. Anh ngư dân cậy vỏ hàu, mời chúng tôi ăn trực tiếp. Đây là lần đầu tiên tôi ăn hàu sống mới vớt từ biển lên. Thịt hàu béo ngậy, mặn mòi vị biển. Tôi cảm nhận được hương vị của biển trong gió, trong không khí. Không hiểu sao, thị trấn gợi nhắc tôi về bầu không khí trong tiểu thuyết “Nắp biển” của Yoshimoto Banana. Cảnh vật ở cảng cá nhỏ rất đỗi yên bình, tôi nghĩ một ngày mình sẽ quay lại, qua đêm ở nhà trọ bình dân, đi lang thang trong thị trấn rồi ngồi trước biển, ngắm những con tàu thật lâu.
Chúng tôi lên bờ, vào quán ăn và tự tay nướng hàu trên than hồng, nghe tiếng xèo xèo, hít hà mùi thơm của hàu nướng mọi
Thưởng thức đa dạng các món ăn trong suốt chuyến đi
Trong chuyến đi, tôi đã tới thăm một vài cơ sở chế biến hải sản. Tôi sẽ không đề cập tới quy trình hay dây chuyền sản xuất của Nhật Bản vì đã quá nhiều người viết về nó. Giám đốc một cơ sở chế biến dẫn chúng tôi ra cửa sổ, hướng mắt ra xa, về phía biển và nói bằng giọng điệu lạc quan: “Hồi năm 2011, nhà máy của chúng tôi ở tận đằng kia. Sau trận sóng thần, nó đã bị phá hủy. Chúng tôi đã đưa cơ sở sản xuất về sâu hơn trong đất liền, làm lại từ đầu.” Ở một công ty chế biến khác, người đại diện công ty vừa chỉ vào chiếc máy dò kim loại vừa nói với chúng tôi: “Sau thảm họa kép, nhiều người không mua hải sản của chúng tôi nữa vì sợ chất phóng xạ nên chúng tôi có thêm chiếc máy này. Mỗi con cá đều phải đi qua máy trước khi đến với người tiêu dùng.”
Một sáng chúng tôi dậy từ 5 giờ để ra chợ cá Kesennuma. Những thân cá mập chuột, cá kiếm nằm ngay ngắn trên mặt đất đợi người tới mua. Tôi chăm chú nhìn sự bình tĩnh, quy củ của chợ cá trong cái rét khô đặc trưng của nước Nhật và không khỏi so sánh với những chợ cá tất bật, huyên náo ở miền Trung Việt Nam. Các chợ cá này rất khác nhau nhưng tôi dám chắc mọi ngư dân trên khắp thế giới đều giống nhau, mong bình yên trở về sau mỗi chuyến ra khơi với những con tàu đầy ắp cá tôm. Chợ cá từng bị phá hủy nặng trong trận đại động đất, hướng dẫn viên nói với chúng tôi khi ấy con sóng đã dâng tới vị trí mà chúng tôi đang đứng, cách mặt đất gần 20m. Chẳng mấy chốc, tôi thấy ánh nắng của rạng đông dần lên từ phía biển. Những tia nắng ấm áp đầu tiên của ngày bắt đầu lan ra, như hy vọng của người dân Miyagi vào cuộc sống phía trước.
Những chú hải âu đón bình minh ở chợ cá
Sau đó, chúng tôi tới thăm thủy cung Ice Aquarium tại thành phố Kesennuma. Thông thường, chúng ta sẽ thấy sinh vật biển sống bơi lội trong thủy cung. Nhưng tại Ice Aquarium, chúng tôi bước vào một không gian thú vị làm từ các khối băng trong suốt với cá, mực, sò, hải tiêu.v.v… đóng băng. Sự ngưng đọng của không gian và thời gian tại thủy cung này mang đến một trải nghiệm hoàn toàn mới. Nếu không chịu được cái lạnh âm độ ở thủy cung, bạn chỉ cần ấn nút để ra ngoài.
Tôi đã có những đêm ngon giấc ở Miyagi. Mỗi ngày chúng tôi đều di chuyển tới các địa phương khác nhau nên tôi được trải nghiệm nhiều cơ sở lưu trú đủ phong cách, từ hiện đại đến truyền thống. Sáng đầu tiên tỉnh dậy, tôi mở rèm căn phòng khách sạn hiện đại, tiện nghi và thấy khung cảnh nên thơ của vịnh Matsushima trải rộng trước mắt.
Trời lạnh, Nhật Bản trở tối rất nhanh. Chiều nọ, khi chúng tôi dừng chân ở một lữ quán thuộc thung lũng onsen Naruko nổi tiếng thì trời đã tối, không thể nhìn rõ cảnh vật xung quanh. Sau khi ngâm mình trong onsen ngoài trời, mải mê ngắm bầu trời đêm trong vắt và hít đầy lồng ngực bầu không khí trong lành của vùng núi, tôi trở về phòng. Nghe thấy tiếng nước chảy bên ngoài cửa sổ tôi rất hiếu kì, chính tiếng nước chảy thư giãn đã đưa tôi vào giấc ngủ ngon và khoan khoái. Sáng ra, tôi dậy thật sớm để đi tìm nguồn gốc tiếng nước kia và nhận ra lữ quán nằm ngay cạnh con suối. Đã rất lâu tôi mới lại được sống gần và trọn vẹn với thiên nhiên như vậy.
Khi xe của chúng tôi đi dọc đường bờ biển ở Miyagi, đâu đó tôi vẫn thấy dấu tích của những nơi từng là khu cư dân đông đúc. Những tấm cửa trượt kiểu Nhật, những bức tường, những khoảnh sân còn sót lại… như kể câu chuyện về cuộc sống rất khác từng diễn ra ngay bên bờ biển tưởng như vô cùng hiền hòa này. Một hướng dẫn viên chỉ lên ngôi nhà nằm đơn độc trên đồi cao, nói rằng đó là ngôi nhà duy nhất tránh được sóng thần năm ấy. Có người đã quyết định rời đi nhưng nhiều người khác bắt đầu quay lại tái thiết Miyagi. Ở phía cửa biển, một con đê chắn sóng đã thành hình. Dù không thể trở lại như xưa, cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn.
Trong chuyến đi ngắn ngủi tới Miyagi, tôi còn thăm nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh, ăn nhiều món ngon khác nhưng tôi dành sự quan tâm đặc biệt tới những gì liên quan mật thiết đến nước, đến biển. Tôi nghĩ biển cho con người rất nhiều và cũng có thể tước đi mọi thứ. Câu chuyện về Miyagi và biển đã cho tôi nhiều suy nghĩ, vượt khỏi mong chờ đơn thuần về tư liệu viết bài năm đó. Tôi cho rằng xê dịch không đồng nghĩa với việc check-in ở những nơi đẹp nhất, kì vĩ nhất, thú vị hay nổi tiếng nhất. Tôi luôn tin, xê dịch là quá trình đi và cảm nghiệm. Đó là hành trình mà tâm trí được trải nghiệm và trưởng thành.
Tôi không còn là biên tập viên tạp chí. Cuộc sống của tôi đã có rất nhiều đổi thay. Tôi nghĩ Miyagi cũng thế, biển cũng vậy. Một ngày, tôi sẽ trở lại với Miyagi, với biển. Và, tôi chắc chắn sẽ viết một câu chuyện mới.
- Linh Trụ -
*Một số ảnh do người viết cung cấp